chào buổi sáng, buổi trưa, buổi tối,
trong bài viết lần trước, mình có nói là tháng 10 và tháng 11 sắp tới mình sẽ rất bận và hôm nay, mình sẽ kể bạn nghe một phần lý do tại sao mình lại bận thế.
vì mùa làm video tổng kết năm lại rục rịch đổ về rồi 😭.
bạn mình vẫn hay hỏi vui mình là mình có thật sự là đi làm planning không mà suốt ngày thấy kể đang làm video vậy 🤣? thiệt lòng mình cũng không biết. mình cảm giác mình đang vừa đội một chiếc mũ làm planner, một chiếc mũ khác làm video editor, một chiếc mũ nữa là poster designer, và chiếc mũ cuối cùng làm event cho team và công ty.
làm cũng vui (tất nhiên là bỏ qua phần mệt mỏi vì tối và cả cuối tuần đều làm thêm) với cả mình thấy thích khi được nhìn thành quả của mình chiếu trước hàng trăm người và được khen hehe. tuần rồi, mình ngồi coi lại những video từng làm và mình đã kiểu “quào, sao mình có thể nghĩ được thế này nhỉ?”. thích thật, cảm giác mình bị ù quao bởi chính bản thân mình ấy.
nói dông dài để lấy tín vậy thôi, tóm lại thì đây là bài viết kể lại hành trình lên ý tưởng của mình khi làm video và hướng dẫn cơ bản cách sử dụng một phần mềm ổn áp (miễn phí, đủ tính năng, dễ dùng) cho những bạn mới bắt đầu với việc làm video.
*disclaimer: mình không phải người làm video chuyên nghiệp nên những gì mình hướng dẫn trong bài viết sẽ ở trình độ sơ cấp. nếu trình độ bạn cao hơn thế, bài viết này sẽ không phù hợp với bạn.
(1) làm bằng phần mềm gì?
bên dưới là video mình thích nhất trong năm 2024 (tính đến thời điểm hiện tại). âm nhạc, hình ảnh, idea, sự thích thú khi làm, tất cả đều hoàn hảo và khi hoàn thành xong, mình đã chẳng thể đợi đến ngày được chiếu video này cho chủ nhân của nó.
đố bạn biết, video này được làm bằng phần mềm gì 🤓?
.
.
.
đáp án là PowerPoint (cộng một chút Canva cho poster)
video này là một ngoại lệ trong hằng hà sa số các video mình từng làm, một phần để chứng minh là PowerPoint có thể làm nhiều hơn là chỉ làm slide thuyết trình. chứ bình thường mình làm video bằng Capcut và Canva.
như chiếc video này, chỉ 38 giây nhưng là tổng hòa sản phẩm của 3 phần mềm khác nhau:
Premiere Pro: làm logo opening (0:01 - 0:07)
Canva: làm slide (0:08 - 0:25)
Capcut: slideshow (0:26 - 0:37)
nên nếu nhu cầu của bạn không quá cao (đồ họa cực xịn, cực mịn như mấy video viral trên Facebook/ Youtube), Capcut cùng với sự hỗ trợ hình ảnh từ Canva là quá đủ luôn rồi.
nếu giới thiệu cả Canva và Capcut có lẽ sẽ quá dài, ở đây mình sẽ nói mỗi Capcut thôi và nếu bạn có quan tâm, mình sẽ đi vào Canva ở một bài viết sau này.
(2) làm video bằng Capcut
chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe về Capcut ít nhất một lần, nhất là khi giờ nhà nhà người người ai cũng dùng TikTok thì cái phần mềm hỗ trợ làm video giật giật cũng tỷ lệ thuận với sự nổi tiếng của người anh cùng nhà.
ở Capcut trên điện thoại, bạn có cả trăm cả ngàn cái template được tạo ra bởi cộng đồng người dùng, không phải thao tác chỉnh sửa quá nhiều. thế nhưng, ngược lại với đó, Capcut trên máy tính lại đòi hỏi bạn phải tự làm nên chiếc video của riêng mình, với ưu điểm sáng nhất là khá tiện để làm video dài (đầy đủ các tính năng như điện thoại và màn hình to nên thao tác lâu không cảm thấy mệt, khó chịu).
các video mình làm hầu như từ 3 - 5 phút nên để thuận tiện nhất, mình chọn làm bằng Capcut. đi kèm với đó là mua một chiếc account Capcut Pro để sử dụng được tất cả các tính năng siêu vip pro của nó. mình thấy về thao tác giữa bản điện thoại và bản máy tính cũng không có gì khác nhau nên nếu bạn đã biết sử dụng một cái, cái còn lại thì cũng dễ lắm, mà nói rộng ra là lúc đó bạn sẽ biết dùng tất cả những phần mềm làm video cơ bản ấy chứ.
làm video là sự tổng hòa của 4 phần chính.
1. hình ảnh/ video
một video có thể chỉ có hình ảnh và/ hoặc video. vậy thì tìm hình hay footage ở đâu giờ?
cách 1: tìm trên các web nổi tiếng về chất lượng hình ảnh tốt (vd: Unsplash, Pexels,…)
cách 2: tự làm hình (bạn có thể tận dụng Canva)
cách 3: sử dụng tư liệu thực tế (hiển nhiên nhưng mà cứ nhắc cho chắc hehe)
hôm nọ tìm được chiếc footage quá ưng xong nhất quyết phải bê vào video cho bằng được.
2. âm nhạc
nếu video chỉ chạy hình/ tổng hợp các video nhỏ lại mà không có âm thanh thì rất chán. mình thấy cái hay của việc làm video là bạn vừa nhìn thấy hình động vừa có thể lồng tiếng vào để truyền tải thêm, vậy nên phải tận dụng tối đa lợi thế của nó chứ!
cả Canva và Capcut đều có phần âm nhạc có sẵn mà bạn có thể tận dụng. tuy nhiên, mình thấy cũng không đa dạng lắm và giả dụ bạn muốn chèn mấy bài nhạc trendy đồ thì tất nhiên là không có.
mình thường lên Youtube kiếm nhạc xong dùng web Youtube to MP3 converter để lấy file âm thanh về chèn vô.
nhưng mà bạn phải nhớ rằng khi bạn chèn quá nhiều bài nhạc vào một video thì nên sử dụng tính năng fade-in, fade-out để chuyển nhạc mượt mà hơn ha. và cả tăng chỉnh âm lượng để các đoạn nhạc có cùng độ to như nhau (trừ trường hợp bạn có dụng ý khác khi để cái to cái nhỏ).
3. chữ
Canva và cả Capcut có một kho tàng hiệu ứng chữ luôn nên không lo không có chữ để viết, chỉ sợ nhiều lựa chọn quá không biết chọn cái nào 😋
4. chuyển cảnh/ hiệu ứng
tương tự như khi làm slide trên PowerPoint, video cũng là tổng hợp của nhiều phân đoạn khác nhau mà nhiều khi, nếu không có một hiệu ứng chuyển cảnh phù hợp, chúng mình sẽ chẳng hiểu tại sao cảnh này lại nhảy rẹt rẹt sang cảnh kia. hay là một khung hình nếu để không sẽ hơi chán, thêm một xíu chuyển động ngoại cảnh (vd: theme của video là kiểu vintage, cũ cũ thì thêm hiệu ứng retro, film) cái tự nhiên thấy cũng fit, cũng ổn áp.
phải công nhận là trên Capcut phần hiệu ứng và chuyển tiếp làm quá tốt, quá đa dạng và cả chia ra thành từng phân mục khác nhau nên người làm video có thể dễ dàng tìm được cái mình cần. hồi trước mình làm video bằng Filmora và Premiere Pro, nhưng khi va vào kho hiệu ứng của Capcut, mình chuyển hẳn sang làm ở đây luôn.
khi bạn đã nắm được logic của 4 phần chính phía trên, làm video đơn giản là sự kết hợp giữa các phần của chúng lại với nhau.
nếu coi việc làm video như một món ăn thì
nguyên liệu chính là hình ảnh/ video
gia vị là âm nhạc và chữ
trang trí là hiệu ứng và chuyển cảnh
việc còn lại thì chắc là tùy thuộc vào “đầu bếp” rồi. có người sẽ nêm gia vị hơi đậm một chút, có người lại đầu tư vào phần trang trí nhiều hơn.
(3) tìm ý tưởng ở đâu?
một khi phần kĩ thuật đã vững, cái khó sẽ nằm ở phần ý tưởng. giờ có brief làm video tổng kết cuối năm rồi, làm sao đây? không lẽ chỉ là ghép 100 tấm hình lại với nhau rồi chèn bài nhạc “giờ là lúc nhìn lại xem một năm vừa trải qua…”?
làm vậy cũng được. đâu ai cấm, chỉ là không hay hoặc không được duyệt thôi.
với mình, sáng tạo là “connecting the dots” (kết nối các điểm thông tin lại với nhau). chúng mình không nhất thiết phải làm một người tạo cái mới mà nhiều khi chỉ là kết nối những cái đã cũ lại, hoặc là làm mới cái đã cũ là được rồi.
nên là các ý tưởng làm video của mình đều đến từ những cái đã tồn tại.
ví dụ 1, làm slide về Netflix, bạn có thể kiếm được cả chục cái template làm intro của Netflix trên Google.
ví dụ 2, làm slide Canva về game, mình được truyền cảm hứng bởi set diễn của LowG ở Genfest 2023 và lên Canva kiếm template slide + lên Youtube coi pixel game chơi như thế nào.
bạn cũng có thể tìm được ý tưởng từ những thứ quanh mình như thế. hoặc nếu bắt buộc vào trạng thái brainstorm ý tưởng thì bạn có thể tham khảo hai nguồn mình thường dùng dưới đây.
Ads of the World: tổng hợp quảng cáo trên khắp thế giới, cứ nhập keyword và thế là bạn đã access được vào kho tàng chiến dịch quảng cáo đồ sộ - nguồn cảm hứng bất tận rồi.
Pinterest: một thư viện nguồn cảm hứng khác, cứ vào thử là biết!!!
nếu bạn có nguồn tìm cảm hứng nào khác, mình sẽ rất biết ơn nếu bạn có thể comment vào bên dưới bài viết này ^^.
p.s.: 90% nội dung bài viết này mình lấy từ training material mà mình làm hồi đầu năm trên công ty. hôm qua có người tìm hỏi về cách làm video thế là lục lại chiếc training deck này thấy hồi trước bản thân cũng đầu tư nên thôi tiếp tục series giới thiệu một cái gì đó mình hòm hòm biết cho những tấm chiếu mới 😄.
bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni
#wotn #vietdeuvahay
Một số nơi kiếm ref cảm hứng mà anh biết:
- Behance: nơi designer showcase sản phẩm, quá trình làm sản phẩm từ ý tưởng cho đến thành phẩm. Có khá là đa dạng từ 2d cho đến 3d.
- Vimeo: youtube lai với linkedin cho những người sản xuất video. Mọi người thường sẽ up các sản phẩm video tốt nhất, chất lượng cao lên đây để làm portfolio. Có đầy đủ tất cả thể loại video.
- Eyecandy: tổng hợp các shot quay được cắt ra từ những video chất lượng. Bạn nào muốn kiếm tư liệu về các góc máy để làm storyboard hay edit video thì có thể lên đây kiếm. Web có list ra các từ khoá nên dùng để học các thuật ngữ trong ngành cũng khá ok, có ví dụ trực quan luôn.
- Frameset.app: tương tự eyecandy nhưng Framset có AI hỗ trợ thêm. Do có AI hỗ trợ nên sẽ bị giới hạn số lần search ở bản free.
- Cosmos.co: pinterest phiên bản nghệ hơn.